SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với hộ cận nghèo

11:14, 11/10/2016
Chi phí khám, điều trị bệnh luôn là nỗi lo của người dân mỗi khi đi viện. Nhiều người bệnh trở thành con nợ sau những đợt điều trị dài ngày mà không có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, tại Thừa Thiên - Huế vẫn còn hơn 5.000 người thuộc đối tượng hộ cận nghèo không mua thẻ BHYT, dẫu đã được hỗ trợ đến 95% mệnh giá thẻ.

Trắng tay khi không có thẻ BHYT

Tai ương bất ngờ ập đến với anh Nguyễn Văn Thịnh, trú ở phường Thủy Xuân, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) khi anh bị ngã từ trên cao khi đang lợp lại mái nhà. Anh Thịnh lập tức được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện T.Ư Huế. Bác sĩ chẩn đoán, phần chân vỡ nát, các khớp xương và đĩa đệm đều bị chùn và rạn nứt. Người nhà phát hoảng khi anh không có thẻ BHYT. Họ hàng bên nội, bên ngoại góp lại trong chiều hôm ấy cũng chỉ được vài triệu đồng trong khi chi phí cho ca phẫu thuật, điều trị ban đầu lên đến 30 triệu đồng. Số tiền này quá lớn đối với hoàn cảnh gia đình khó khăn như anh, do vợ đau ốm triền miên, con cái lại đang tuổi ăn, tuổi học. Ca mổ chậm lại, vợ anh phải gõ cửa các nhà từ thiện, xin hỗ trợ để có tiền đóng viện phí. Vợ anh tiếc rằng: Khi người ta vào tận nhà mời mua BHYT. Vợ chồng tôi đã từ chối, dẫu số tiền đóng không phải quá nhiều.

Trong bối cảnh giá viện phí tăng, chi phí khám chữa bệnh tăng, áp lực về viện phí càng đè lên vai người bệnh chưa có thẻ BHYT. Họ có nguy cơ rơi vào cảnh vay nợ khi mắc bệnh, nhất là bệnh hiểm nghèo. Anh Trần Mạnh, ở xã Phong Thu (huyện Phong Điền) kể rằng: Sau khi thoát nghèo, gia đình tôi không được cấp thẻ BHYT. Có người đến vận động mua BHYT nhưng thấy người khỏe mạnh nên không mua. Khi nhập viện, tôi đã sốc khi nghe bác sĩ thông báo bị mắc bệnh ung thư hạch cổ và phải điều trị hóa chất với nhiều loại thuốc đắt tiền. Sau một thời gian ngược xuôi vay mượn để chữa bệnh cho chồng, vợ tôi đã đuối sức nên bế con vào miền nam. Đã gần một năm nay, anh Mạnh phải sống trong cảnh không có tiền đóng tạm ứng nên đành bỏ lượt điều trị.

Trưởng phòng Thu - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thừa Thiên - Huế Trương Công Khả cho rằng: Với những bệnh nhân ung thư, bệnh mãn tính như suy thận phải chạy thận... Nếu không có BHYT, dù người có kinh tế khá cũng không kham nổi chi phí điều trị huống chi người cận nghèo. Trong khi đó, có thẻ BHYT họ được bảo đảm điều trị, nhất là những người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở. Đặc biệt, theo Luật BHYT mới thì người cận nghèo sẽ được thanh toán đến 95% số viện phí, thay vì chỉ 80% so với các năm trước nên sẽ bớt đi gánh nặng về bệnh tật rất nhiều nếu có thẻ BHYT.

Còn chủ quan, ỷ lại

Trước đây, toàn tỉnh chỉ có hơn 6.300 (chiếm 13%) người cận nghèo tham gia BHYT. Sau 5 năm thực hiện dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 30 nghìn người cận nghèo (chiếm hơn 78%) có thẻ BHYT. Mệnh giá thẻ BHYT hiện là 621 nghìn đồng nhưng những hộ cận nghèo sẽ được Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí khi mua thẻ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định chi ngân sách hỗ trợ thêm 15% và dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ đã hỗ trợ từ 5% đến 10%. Như vậy, với mức hỗ trợ từ 90% đến 95% mệnh giá thẻ BHYT, những người thuộc hộ cận nghèo chỉ cần bỏ ra 31 nghìn đồng (nếu mua cả hộ gia đình) và 62.100 đồng nếu mua từng người là có thẻ BHYT thời hạn sử dụng một năm. Để người cận nghèo nhanh chóng được hưởng lợi từ Nhà nước và các dự án, các địa phương tích cực rà soát, tuyên truyền vận động để hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT. Ban Quản lý dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ BHYT cho người cận nghèo tại các huyện; trang bị cho cán bộ xã và đại lý thu BHYT những kiến thức cơ bản để tuyên truyền vận động người cận nghèo tham gia BHYT.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua khảo sát hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo tăng lên đều có yếu tố bệnh tật, ốm đau do không mua thẻ BHYT. Toàn tỉnh có hơn 62.600 người cận nghèo; trong đó, còn trên 5.000 người cận nghèo chưa tham gia BHYT. Lý giải trường hợp người cận nghèo không tham gia BHYT, nhiều người cho rằng, ranh giới giữa người thuộc hộ cận nghèo và người nghèo cũng rất gần nên không ít người cận nghèo có tâm lý trông chờ vào chính sách của Nhà nước (hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% mệnh giá mua BHYT). Thậm chí, họ muốn được xét là đối tượng nghèo để cấp miễn phí thẻ BHYT. Thế nên, nhiều năm liền đối tượng tham gia BHYT thường là người thật sự có nhu cầu khám, chữa bệnh.

Chị Nguyễn Thị Minh, nhân viên một đại lý thu BHXH tại TP Huế cho biết: Vận động đối tượng cận nghèo mua thẻ BHYT rất khó khăn. Nhiều người đi làm ăn xa nên đến nhiều lần cũng không gặp được. Nhiều gia đình khi chúng tôi đến, dù tích cực vận động cũng chỉ mua một đến hai thẻ BHYT cho người đang bị bệnh trong nhà. Hơn nữa, phí hoa hồng thu nộp của dự án cho các đại lý rất thấp, từ 1.200 đồng đến 2.400 đồng/người, không đủ chi phí đi lại cho công tác thu nộp nên họ chưa tích cực đến từng nhà vận động người dân như trước đây. Cũng phải thừa nhận, suốt thời gian dài, người dân chủ yếu khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở, nơi điều kiện, phương tiện, thiết bị y tế thường thiếu...

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Trọng Chính cho biết: Để tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ người cận nghèo tham gia BHYT bền vững sau khi dự án kết thúc, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 25% mức đóng (15% mức hỗ trợ cũ và thêm 10%) mua BHYT cho hộ cận nghèo trong năm 2016. Người cận nghèo chỉ phải đóng 5% mệnh giá thẻ BHYT hiện hành. Ngoài ra, phí hoa hồng thu, nộp cho các đại lý khi thu BHYT của người cận nghèo tăng lên hơn 10% giúp các đại lý thu tăng cường tuyên truyền và vận động thu nộp.

Theo đồng chí Hoàng Trọng Chính, vấn đề đặt ra là làm thế nào để người cận nghèo nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT. Thời gian tới, cơ quan BHXH tỉnh cùng các ban, ngành cần đẩy mạnh công tác vận động thông qua việc tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các đối tượng người cận nghèo và nâng cao trách nhiệm lãnh đạo của các tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội ở cơ sở về BHYT. Hơn nữa, người có thẻ BHYT cũng cần được hướng dẫn, tiếp cận với các dịch vụ y tế thích hợp... Các cơ quan liên ngành nên chủ động đưa ra các biện pháp thực hiện phù hợp với đặc thù từng địa phương để có trên 95% đến 100% số người cận nghèo có cơ hội thụ hưởng chính sách BHYT trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Tin khác

Tin tức 20 phút trước
(SHTT) - Trong 3 ngày 28, 29, 30/3, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2024 và các sự kiện bên lề.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Chiều 27/3, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Thông tin tại buổi Họp công tác Triển khai Đề án 06 của Chính phủ tháng 3/2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hiện, thành phố Hà Nội đã hoàn thành 10/12 nhiệm vụ của Đề án 06.
Tin tức 23 giờ trước
(SHTT) - Tại Hội nghị chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVII, ngày 27/3, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã báo cáo nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Tối 26/3, tại TP Hạ Long, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Truyền thông tổ chức Lễ tuyên dương Gương mặt trẻ, Tài năng trẻ Quảng Ninh năm 2023 - Chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, với chủ đề "Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên".
Liên kết hữu ích